Các loài tôm hùm thường nhiễm bệnh này như tôm hùm Bông (hay hùm Sao), tôm hùm Đá (tôm Xanh, tôm Ghì), tôm hùm Đỏ (hùm Lửa) và tôm hùm Tre.

MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TÔM HÙM NUÔI LỒNG
VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ

MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TÔM HÙM NUÔI LỒNG

Bệnh đỏ thân

Loài tôm nhiễm

Các loài tôm hùm thường nhiễm bệnh này như tôm hùm Bông (hay hùm Sao), tôm hùm Đá (tôm Xanh, tôm Ghì), tôm hùm Đỏ (hùm Lửa) và tôm hùm Tre.

 

Dấu hiệu bệnh lý và tác hại của bệnh

Bệnh đỏ thân bắt gặp ở mọi kích cỡ tôm nuôi, cả tôm thương phẩm và tôm con, nhưng thường xảy ra ở giai đoạn tôm con. Tôm bệnh có hiện tượng đỏ vùng giáp đầu ngực hay vùng bụng, sau đó màu đỏ lan dần ra toàn bộ cơ thể tôm, mô gan tuỵ bị hoại tử, các khớp đôi chân bò rời ra, đôi râu xúc tu 2 dễ gãy, mặt bụng tôm tím bầm, tôm yếu dần, bỏ ăn và chết. Khi lặn xuống lồng nuôi quan sát, thấy tôm hoạt động không nhanh nhẹn. Bệnh xảy ra nhiều từ tháng 2-8 hàng năm, có khả năng gây chết tôm hùm nuôi từ rải rác đến hàng loạt, tỷ lệ chết tích lũy có thể lên đến 80-90%. Năm 2007, thiệt hại do bệnh đỏ thân gây ra ở các tỉnh miền Trung (Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận) lên đến gần 10 tỷ đồng.

 

Tác nhân gây bệnh

Bệnh đỏ thân có thể là sản phẩm tổng hợp của nhiều nhân tố gây bệnh tác động vào tôm nuôi. Trong đó, vi khuẩn nhóm Vibrio, đặc biệt là vi khuẩn Vibrio alginolyticus, có thể là một trong những tác nhân gây ra dấu hiệu bệnh đỏ thân ở tôm hùm. Vi khuẩn này có dạng hình que, bắt màu gram âm, có khả năng vận động, khuẩn lạc trên môi trường TCBS có màu vàng.

Hưng Long - Bệnh đỏ thân ở tôm hùm Bông(A), tôm hùm Đỏ (B), tôm hùm Tre (C); tôm hùm Bông khỏe (D)
Bệnh đỏ thân ở tôm hùm Bông(A), tôm hùm Đỏ (B), tôm hùm Tre (C); tôm hùm Bông khỏe (D)
Hưng Long -Khuẩn lạc Vibrio alginolyticus trên môi trường TCBS (A) và hình dạng vi khuẩn ở độ phóng đại 1000 lần (B)
Khuẩn lạc Vibrio alginolyticus trên môi trường TCBS (A) và hình dạng vi khuẩn ở độ phóng đại 1000 lần (B)

 

Chẩn đoán bệnh
  • Dựa vào dấu hiệu bệnh lý đã được mô tả ở trên để chẩn đoán
  • Phân tích mẫu tôm bệnh để xem xét sự có mặt của nhóm vi khuẩn Vibrio.

 

Phòng, trị bệnh

Phòng bệnh:

  • Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp trong nuôi tôm hùm lồng như vệ sinh lồng/bè và sát trùng thức ăn bằng thuốc tím để giảm mật độ vi khuẩn; loại bỏ thức ăn dư thừa ra khỏi lồng nuôi; lựa chọn nơi đặt lồng đảm bảo có dòng chảy nhẹ khi triều lên, dòng chảy tầng đáy có lưu tốc 1-2 cm/giây để tăng trao đổi nước; tránh các sây sát do tác động cơ học (vận chuyển, đánh bắt, thao tác phân cỡ, chuyển lồng,…) và phòng tránh ký sinh trùng gây hại.
  • Treo túi vôi quanh lồng nuôi trong thời gian thường xuất hiện bệnh (tháng 2-8 hàng năm).

Trị bệnh:
Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh đúng nồng độ, đúng thời điểm sẽ có hiệu quả nhất định trong điều trị bệnh đỏ thân ở tôm hùm. Có thể sử dụng Doxycycline (loại Doxycycline base 10% dùng trong thú y) trộn hay tiêm vào thức ăn với lượng 3-7 g/kg thức ăn tùy vào kích cỡ tôm nuôi; cho ăn liên tục 5-7 ngày để điều trị bệnh. Sau đây là phác đồ điều trị bệnh đỏ thân có thể dùng tham khảo:

Ngày thứ 1 đến ngày thứ 3: Đưa thuốc vào thức ăn qua đường tiêm.

Thuốc và liều lượng cần dùng cho 1 kg thức ăn (cá mồi):

  • Kháng sinh Doxycycline base 10% (tên thương mại: QM-DOXY.10 hay Doxcine Water Soluble Powder dạng bột, dùng trong thú y), dùng 7 gam (khoảng 2 muỗng cà phê).
  • Dung dịch pha loãng:
    • Nước muối sinh lý (hay nước cất), dùng 50 ml (1 lọ);
    • Hoặc nước khoáng thiên nhiên đóng chai (hay nước uống tinh khiết đóng chai), dùng 50ml.
  • Khoáng chất, vitamin tổng hợp và chất kết dính:
    • Mutagen (dạng gói 500 g), dùng 7 gam (2 muỗng cà phê);
    • Hoặc các khoáng chất, vitamin tổng hợp và chất kết dính dùng cho giáp xác khác (tôm Sú) có bán trên thị trường như: Dầu gan mực (bình 2 lít), dùng 10 ml (khoảng 3 muỗng cà phê); Minerex, Grow shrimp, V-mix, QM-Binder,… dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cách đưa thuốc vào thức ăn theo trình tự sau:

Thức ăn (cá liệt, cá cơm, cá sơn,…) rửa sạch, để ráo;

  • Hòa tan thuốc kháng sinh vào nước muối sinh lý (hay nước cất/nước khoáng/nước tinh khiết) với liều lượng như trên, khuấy đều cho thuốc tan hết. Dùng xi-lanh hút dung dịch thuốc tiêm vào cơ thịt của cá mồi (tiêm nhiều vị trí khác nhau dọc 2 bên vây lưng của cá)
  • Sau khi tiêm thuốc vào cá, cắt cá cho phù hợp cỡ mồi;
  • Trộn đều khoáng chất và vitamine tổng hợp vào thức ăn với liều như trên, để trong 30 phút;
  • Bổ sung dầu mực (hay các chất kết dính: QM-Binder, Feed coat), trộn đều trước khi cho tôm ăn.

Lưu ý: cũng có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn để cho tôm ăn, cách trộn như khoáng chất và vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, cách làm này cho hiệu quả điều trị bệnh thấp hơn cách đưa thuốc vào thức ăn qua đường tiêm.
Cách cho tôm ăn:

Mỗi ngày cho tôm ăn cá mồi có thuốc một lần vào chiều tối.

Ngày thứ 4 đến ngày thứ 7: Tương tự như ngày thứ 1 đến thứ 3 nhưng liều lượng thuốc kháng sinh giảm đi một nửa.

Ngày thứ 7: Kiểm tra tôm trong lồng nuôi

  • Nếu thấy tôm còn bệnh, lặp lại việc cho tôm ăn thức ăn có thuốc như từ ngày thứ 4 đến thứ 6.
  • Nếu thấy tôm khỏi bệnh thì từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14 tiếp tục cho tôm ăn theo phác đồ điều trị bệnh như sau

Ngày thứ 8 đến ngày thứ 14: Trộn/tiêm thuốc bổ, men vi sinh vào thức ăn tôm

  • Thuốc và liều lượng dùng cho 1 kg thức ăn:
  • Men vi sinh để cải thiện vi sinh vật đường tiêu hóa: Probestim, dùng 5 gam; hoặc Combax, Effinol, Probai, P-zyme-mos, QM-Probiotic,… đưa vào trong thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
  • Khoáng chất, vitamin tổng hợp và chất kết dính (Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix, QM-Binder, Profisd, Feed coat…) trộn vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hoặc dầu gan mực dùng 10 ml (khoảng 3 muỗng cà phê).

Cách đưa thuốc vào thức ăn (cá mồi) theo trình tự sau:

  • Thức ăn (cá mồi) rửa sạch, cắt miếng nhỏ, để ráo nước;
  • Trộn/tiêm hỗn hợp men vi sinh/khoáng chất và vitamin vào thức ăn (để trong vòng 30 phút nếu dùng phương pháp trộn);
  • Bọc chất kết dính (QM-Binder, Profisd, Feed coat,…) để giảm hao hụt thuốc do thất thoát ra ngoài môi trường.

Cách cho tôm ăn:

Mỗi ngày cho tôm ăn cá mồi có thuốc một lần vào chiều tối.

Lưu ý:

  • Dùng thuốc trộn hay tiêm vào loại thức ăn tươi như cá, cua, ghẹ…, sau đó ngâm thuốc (đối với phương pháp trộn thuốc vào thức ăn) trong một thời gian nhất định, thường 30-60 phút trước khi đem cho tôm ăn theo các liều lượng nhất định. Đồng thời, nên trộn thuốc hay tiêm thuốc vào lượng thức ăn ít hơn khẩu phần ăn bình thường để tôm nhanh chóng ăn hết thức ăn có thuốc.
  • Nên trộn thức ăn khi đã ngấm thuốc với một số vật liệu ít tan trong nước như: dầu mực, dầu đậu nành, các chất kết dính… để tránh hao hụt thuốc do thất thoát ra ngoài môi trường.
  • Cần phát hiện bệnh ở thời kỳ sớm để dùng thuốc, khi nhiều tôm trong lồng/bè nuôi còn bắt mồi thì mới có thể đưa thuốc vào cơ thể tôm theo con đường trộn/tiêm vào thức ăn. Trong thực tế, không ít trường hợp, người nuôi đã biết rõ về bệnh, tác nhân gây bệnh và loại thuốc có hiệu quả nhưng vẫn không trị được bệnh do phát hiện quá muộn, nhiều tôm nuôi đã không bắt mồi được nữa, nên bệnh không thể được chữa khỏi.
  • Việc sử dụng thuốc kháng sinh phải theo đúng phác đồ điều trị, tránh ngắt quãng và không nên sử dụng các sản phẩm kháng sinh dạng tiêm trực tiếp để đưa vào thức ăn cho tôm ăn; đồng thời cần có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để tránh hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn.
  • Ngưng dùng thuốc ít nhất 2 tuần trước khi thu hoạch.

 

Bệnh đen mang

Loài tôm nhiễm

Bệnh đen mang tuy mới gặp trên tôm hùm Bông (hùm Sao, hùm Hèo), tôm hùm Đá (tôm Ghì, tôm Kẹt) và tôm hùm Đỏ (hùm Lửa) nhưng các loài tôm hùm nuôi khác cũng có thể mắc bệnh.

 

Dấu hiệu bệnh lý và tác hại của bệnh
  • Mang tôm có màu nâu ở những vùng tổn thương, các tổ chức mô tại vị trí này bị phá hủy, vị trí tổn thương chuyển thành màu đen và lan rộng khắp cả mang, toàn bộ tơ mang bị phá hủy.
Hưng Long - Bệnh đen mang trên tôm hùm Bông (A) và tôm hùm Đỏ (B)
Bệnh đen mang trên tôm hùm Bông (A) và tôm hùm Đỏ (B)
  • Tôm bệnh thường ít hoạt động vì thế có nhiều ký sinh trùng bám trên vỏ làm tôm chậm lớn, màu sắc cơ thể thay đổi.
  • Dưới kính hiển vi độ phóng đại 400 lần có thể thấy rõ các bào tử đính của nấm Fusarium rất đặc thù có hình thuyền hay hình quả chuối trong biểu bì mang hay tại các vết thương tổn trên mang.
  • Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn tôm trưởng thành và gây chết rải rác tôm hùm nuôi lồng. Tuy nhiên, tính chất gây hại không phải chỉ thể hiện ở tỷ lệ gây chết mà còn ở sự suy giảm chất lượng tôm thương phẩm khi thu hoạch, tổn hại về kinh tế đối với người nuôi.

 

Tác nhân gây bệnh

Nấm Fusarium sp. là một trong những tác nhân gây nên dấu hiệu đen mang ở tôm hùm nuôi lồng. Đây là nấm dạng sợi phân nhánh, bào tử không màu sắc (gọi là bào tử đính) gồm bào tử đính nhỏ và bào tử đính lớn. Cuống bào tử thường kết cụm và sản sinh bào tử.

Hưng Long - Bào tử đính nấm Fusarium sp.(A); Khuẩn lạc nấm Fusarium sp. trên môi trường PDA (B); tơ mang tôm hùm bệnh đen mang, lát cắt dọc sợi nấm nằm bên trong tơ mang (đầu mũi tên đen) nhuộm H&E (C); nấm Fusarium sp. ký sinh trên mang tôm hùm ở độ phóng đại 400 lần (D)
Bào tử đính nấm Fusarium sp.(A); Khuẩn lạc nấm Fusarium sp. trên môi trường PDA (B); tơ mang tôm hùm bệnh đen mang, lát cắt dọc sợi nấm nằm bên trong tơ mang (đầu mũi tên đen) nhuộm H&E (C); nấm Fusarium sp. ký sinh trên mang tôm hùm ở độ phóng đại 400 lần (D)

 

Chẩn đoán bệnh
  • Dựa vào dấu hiệu bệnh lý đã được mô tả ở trên để chẩn đoán.
  • Quan sát mẫu mô mang được ép tươi trên kính hiển vi quang học để phát hiện các khuẩn ty và bào tử đính đặc thù của nấm Fusarium.
  • Nuôi cấy mẫu tôm bệnh trên môi trường PDA (Potato Dexatrose Agar) để xác định sự có mặt của nấm Fusarium sp. Trên môi trường PDA, sau 3-4 ngày nuôi cấy, nấm này mọc có màu vàng cam hay vàng nâu, dạng sợi nấm phân nhánh, sau đó xuất hiện các bào tử đính đặc thù.

 

Phòng, trị bệnh

Phòng bệnh:

  • Tăng lưu lượng dòng chảy qua lồng nuôi bằng cách vệ sinh lồng nuôi thường xuyên.
  • Chuyển lồng nuôi đến địa điểm nuôi mới để tránh sự ô nhiễm cục bộ.
  • Theo phương pháp phòng bệnh tổng hợp: chọn địa điểm nuôi thích hợp, xa nguồn nước thải sinh hoạt hay nước thải công nghiệp/nông nghiệp, nền đáy không bị ô nhiễm; không đặt lồng sát đáy; vớt thức ăn dư thừa; sát trùng thức ăn (bằng thuốc tím…); ….

Trị bệnh:

  • Sử dụng Formaline 100-200 ppm tắm cho tôm trong thời gian 10-15 phút mỗi ngày (dùng trong 2-4 ngày) để điều trị bệnh.
  • Tách riêng những con tôm có dấu hiệu bệnh (cho vào các thùng chứa để điều trị) nhằm giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh cho cả đàn tôm và sẽ đơn giản hơn trong quá trình trị bệnh. Thao tác bắt tôm lên điều trị phải nhẹ nhàng, tránh sây sát tôm; trước khi tắm tôm phải chuẩn bị tất cả các khâu cần thiết, tránh trường hợp đưa tôm lên khỏi lồng mà chưa tiến hành điều trị ngay.
Lưu ý: Ngoài dấu hiệu đen mang do nấm gây ra nêu trên, ở tôm hùm nuôi lồng còn gặp dấu hiệu đen mang khác, như mang tôm chuyển từ màu trắng ngà sang màu nâu hoặc đen. Tôm hùm thường thể hiện hô hấp khó khăn, ngoi lên mặt lồng/bè nuôi. Đây là hội chứng đen mang không do các tác nhân sống gây ra, mà do các chất thải hữu cơ bám vào mang và gây hiện tượng đen mang. Ở những vùng nuôi tôm hùm bằng lồng găm hay lồng chìm tập trung như Sông Cầu (Phú Yên), Vạn Ninh (Khánh Hoà) đã bắt gặp hội chứng này. Để phòng tránh hiện tượng này, trong nuôi tôm hùm lồng cần chọn kiểu lồng nổi và thường xuyên vệ sinh lồng, đồng thời không nên tập trung quá nhiều lồng trên một vùng diện tích nhỏ. Cũng có thể di chuyển lồng đến nơi có chất lượng môi trường nước tốt hay che chắn lồng theo hướng dòng nước chảy khi các lồng/bè nuôi khác kề cạnh làm vệ sinh.
Hưng Long - Hội chứng đen mang ở tôm hùm do yếu tố vô sinh (A) và chất thải hữu cơ bám trên tơ mang tôm(B)
Hội chứng đen mang ở tôm hùm do yếu tố vô sinh (A) và chất thải hữu cơ bám trên tơ mang tôm(B)

 

Hội chứng đầu to

Loài tôm nhiễm

Hội chứng đầu to gặp ở tất cả các loài tôm hùm nuôi: tôm hùm Bông, tôm hùm Đá, tôm hùm Sỏi, tôm hùm Đỏ, tôm hùm Tre.

 

Dấu hiệu
  • Xảy ra ở tất cả các giai đoạn tôm nuôi nhưng với tần suất thấp và thường gặp nhiều hơn ở tôm trưởng thành.
  • Phần giáp đầu ngực tôm rất lớn, khác thường, phần bụng và phần quạt đuôi nhỏ.
  • Tôm mắc hội chứng này thường chậm lớn, còi cọc, khó lột xác, hình dạng tôm ít được “bắt mắt” người mua và gây chết rải rác tôm hùm nuôi.
Hưng Long - Hội chứng đầu to trên tôm hùm Bông (A) và tôm hùm Tre (B)
Hội chứng đầu to trên tôm hùm Bông (A) và tôm hùm Tre (B)

 

Nguyên nhân

Hội chứng này có thể liên quan đến vấn đề dinh dưỡng ở tôm hùm nuôi. Tôm bị bệnh do chưa được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Điều này có thể do các nguyên nhân sau:

  • Người nuôi cung cấp thức ăn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho tôm;
  • Thức ăn không được tôm sử dụng hay sử dụng với hiệu suất thấp;
  • Khả năng hấp thụ dinh dưỡng trong thức ăn của tôm thấp.

 

Phương pháp phòng, trị
  • Cho tôm ăn những loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng tốt;
  • Số lần cho ăn và liều lượng thức ăn phải đúng yêu cầu kỹ thuật;
  • Tăng cường khả năng đề kháng của tôm bằng các loại vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin tổng hợp, Premix…
  • Tìm hiểu về những bất thường trong hệ tiêu hóa của tôm bệnh.

Bệnh long đầu

Loài tôm nhiễm

Tất cảc các loài tôm hùm nuôi đều có thể mắc bệnh này.

 

Dấu hiệu bệnh lý

Phần giáp đầu ngực và phần bụng long ra, có chất dịch bên trong lớp biểu bì khu vực này.
Bệnh gây chết tôm nuôi từ rải rác đến hàng loạt và có thể xảy ra ở cả giai đoạn tôm con và tôm trưởng thành.

Hưng Long - Bệnh long đầu ở tôm hùm Bông (A) và tôm hùm Đỏ (B)
Bệnh long đầu ở tôm hùm Bông (A) và tôm hùm Đỏ (B)

 

Nguyên nhân gây bệnh
  • Môi trường vùng nuôi có độ mặn thay đổi đột ngột (độ mặn thấp) hay có sự thay đổi lớn về môi trường nuôi;
  • Tôm nuôi có thể bị nhiễm khuẩn.
Phòng, trị bệnh
  • Thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
  • Di chuyển lồng/bè nuôi đến vùng có độ mặn ổn định (>28‰).
  • Vào những ngày trời có mưa, hay sau những đợt mưa lớn cần chú ý tránh vớt tôm lên bề mặt lồng/bè nuôi. Tôm có thể bị sốc do thay đổi điều kiện môi trường sống, đặc biệt là thay đổi về độ mặn.

 

Bệnh mòn đuôi (cháy đuôi)

Loài tôm nhiễm

Bệnh thường gặp ở tôm hùm Bông, tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở tất cả các loài tôm hùm nuôi khác.

Dấu hiệu bệnh lý

Màu sắc tôm thay đổi khác so với màu sắc bình thường, dấu hiệu đặc trưng nhất là đuôi tôm bị ăn mòn (hình A), giai đoạn bệnh nặng có thể đuôi bị cụt (hình B).\

Hưng Long - Bệnh mòn đuôi (cháy đuôi) ở tôm hùm Bông nuôi lồng Bệnh gây chết rải rác và xảy ra ở tất cả các giai đoạn tôm nuôi nhưng phần lớn gặp ở tôm trưởng thành.
Bệnh mòn đuôi (cháy đuôi) ở tôm hùm Bông nuôi lồng
Bệnh gây chết rải rác và xảy ra ở tất cả các giai đoạn tôm nuôi nhưng phần lớn gặp ở tôm trưởng thành.

 

Nguyên nhân gây bệnh
  • Môi trường nước vùng nuôi tôm kém chất lượng;
  • Vi khuẩn.
  • Thả tôm với mật độ dày.

 

Phòng, trị bệnh
  • Thực hiện biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp;
  • San thưa mật độ nuôi;
  • Sử dụng Doxycycline (loại Doxycycline base 10% dùng trong thú y) 5-7 g/kg thức ăn tùy theo kích cỡ tôm nuôi, cho ăn liên tục 5-7 ngày.

Lưu ý: Thức ăn tốt nhất để trộn/tiêm thuốc vào cho tôm hùm ăn là giáp xác (ghẹ, cua…), cá tươi. Nên ngâm thuốc trong thức ăn khoảng 15-30 phút rồi bọc thức ăn bằng các chất kết dính (QM-Binder, Profisd, dầu gan mực,…) trước khi cho tôm ăn.

Bệnh đóng sum/hà

Loài tôm nhiễm

Tất cả các loài tôm hùm nuôi đều có thể mắc bệnh này.

Dấu hiệu bệnh lý
  • Nhìn bề ngoài thấy sum/hà bám ở phần giáp đầu ngực, ức ngực. Tôm bị bệnh này khó lột xác và chậm lớn.
  • Bệnh chỉ xảy ra ở giai đoạn tôm trưởng thành và có thể gây chết rải rác tôm hùm nuôi.
Hưng Long - Tôm hùm Bông nuôi lồng mắc bệnh đóng sum/hà (A) và sum/hà gây bệnh trên tôm (B)
Tôm hùm Bông nuôi lồng mắc bệnh đóng sum/hà (A) và sum/hà gây bệnh trên tôm (B)
Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh có thể do:

  • Môi trường vùng nuôi có chất lượng nước kém;
  • Công tác vệ sinh lồng/bè nuôi ít được chú trọng;
  • Tôm suy dinh dưỡng, chậm lột xác.

 

Phòng, trị bệnh
  • Cải thiện môi trường vùng nuôi;
  • Vệ sinh lồng/bè nuôi thường xuyên;
  • Bảo đảm chất lượng và số lượng thức ăn hợp lý cho tôm.

 

Hội chứng “mang cục nhầy”

Loài tôm nhiễm

Hội chứng “mang cục nhầy” thường gặp ở tôm hùm Bông, tôm hùm Đá nuôi lồng. Tuy nhiên, ở các loài tôm hùm nuôi khác cũng có thể mắc hội chứng này.

Dấu hiệu

Phần ức ngực (giữa 3 đôi chân bò sau cùng) có “cục nhầy” màu trắng đục, tôm “ngứa ngáy” và liên tục “cào xé” làm lở loét vùng ức ngực, tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại xâm nhập.

Hưng Long - Tôm hùm Bông mắc hội chứng ”mang cục nhầy” (A); ảnh ”cục nhầy” ở tôm hùm (B)
Tôm hùm Bông mắc hội chứng ”mang cục nhầy” (A);
ảnh ”cục nhầy” ở tôm hùm (B)

 

Nguyên nhân

Do quá trình giao phối của tôm tạo nên. “Cục nhầy” có màu trắng đục, dẻo (khi vừa giao phối xong), sau đó khoảng 1 giờ “cục nhầy” cứng lại, gần giống như ma – tít, đó chính là sản phẩm sinh dục (túi tinh) của tôm hùm đực phóng ra trong quá trình giao phối. Nó được gắn chặt vào ức ngực giữa 3 đôi chân bò sau cùng. Đây chính là kết quả của quá trình thích nghi của loài để tránh những vật ăn mồi ở vùng nông cạn, và cũng là để tăng khả năng bảo vệ, duy trì sự tồn tại của giống nòi.

Biện pháp ngăn chặn

Hội chứng “mang cục nhầy” là một hiện tượng sinh lý bình thường của tôm hùm khi đến giai đoạn thành thục sinh dục. Vì vậy, để hạn chế tôm chết do hội chứng này gây ra cần phải:

  • Thả tôm với mật độ thích hợp trong giai đoạn phát dục thành thục, thông thường nên nuôi với mật độ 3 – 4 con/ m2 lồng.
  • Nuôi tôm với tỉ lệ tôm đực và tôm cái thích hợp. Thông thường nên nuôi 50% tôm đực và 50% tôm cái (một nửa tôm đực và một nửa tôm cái) trong một lồng nuôi ở giai đoạn tôm phát dục thành thục. Không nên tách tôm đực và tôm cái riêng rẽ, bởi việc làm này không những chưa giải quyết một cách triệt để hiện tượng “mang cục nhầy” mà còn làm mất đi một lượng trứng ở tôm cái do không được thụ tinh. Sau thụ tinh, trứng được đưa ra môi trường tự nhiên sẽ góp phần bổ sung nguồn con giống.
  • Loại bỏ trực tiếp “cục nhầy” bằng biện pháp cơ học thông thường.

 

Hội chứng tôm “dính vỏ”

Loài tôm nhiễm

Hội chứng tôm lột xác nhưng vẫn còn “dính vỏ” ở phần đầu bắt gặp ở tất cả các loài tôm hùm nuôi.

Dấu hiệu

Phần vỏ của các đốt bụng và vỏ giáp đầu ngực không lột được ra khỏi cơ thể tôm khi tôm tiến hành lột xác.

Hưng Long - Hội chứng “dính vỏ” ở tôm hùm Tre
Hội chứng “dính vỏ” ở tôm hùm Tre

Dấu hiệu này có thể gặp ở các giai đoạn tôm nuôi, nhưng thường gặp ở giai đoạn tôm con và có thể gây chết tôm nuôi từ rải rác đến hàng loạt.

Nguyên nhân

Do sức đề kháng của tôm yếu hay do quá trình vận chuyển, thao tác đánh bắt làm ảnh hưởng đến sức khoẻ tôm, đặc biệt khi không đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho tôm trong quá trình nuôi. Vì vậy, quá trình lột xác không thực hiện được khi tôm đến kỳ lột xác.

Phương pháp phòng trị
  • Cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
  • Đảm bảo đủ số lượng và chất lượng thức ăn cần thiết cho tôm trong khẩu phần thức ăn hàng ngày, bằng cách cho tôm ăn thức ăn tươi với nhiều chủng loại khác nhau.
  • Tránh vận chuyển, phân cỡ tôm vào thời điểm tôm chuẩn bị lột xác.

 

Bệnh sữa (bệnh đục thân) ở tôm hùm

Loài tôm nhiễm

Bệnh xảy ra ở tôm hùm Bông (Panulirus ornatus), tôm hùm Đá (P. homarus) và tôm hùm Tre (P. polyphagus) nuôi lồng; riêng tôm hùm Đỏ (P. longipes) chưa thấy xuất hiện dấu hiệu của bệnh này.

Dấu hiệu bệnh lý

Các đốt ở phần bụng của tôm bệnh chuyển từ “trắng trong” sang “trắng đục”, dịch tiết của cơ thể (bao gồm cả máu) tôm bệnh bị đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão, gan tụy chuyển màu nhợt nhạt và có trường hợp bị hoại tử. Tôm bệnh giảm ăn đến bỏ ăn hoàn toàn. Bệnh xảy ra ở cả tôm hùm thương phẩm (có kích cỡ từ 50-500 gam/con) và ở tôm con, gây chết tôm nuôi từ rải rác đến hàng loạt, tỷ lệ chết tích lũy lên đến hơn 70%.

Hưng Long - Tôm hùm Bông bị bệnh sữa (A); dịch trắng đục ở tôm bệnh (B)
Tôm hùm Bông bị bệnh sữa (A); dịch trắng đục ở tôm bệnh (B)

 

Quá trình bùng phát bệnh dịch và tác hại của bệnh

Bệnh xuất hiện và bùng phát mạnh vào mùa mưa năm 2006 tại vùng nuôi tôm hùm ở Bình Ba (Cam Bình-Cam Ranh), sau đó dấu hiệu bệnh sữa được thông báo xuất hiện tại nhiều vùng nuôi khác như: Vĩnh Tân (Tuy Phong-Bình Thuận), Xuân Thọ 1 (Sông Cầu-Phú Yên), Vũng Ngán (Nha Trang-Khánh Hòa), Đầm Môn (Vạn Ninh-Khánh Hòa) gây thiệt hại hơn 160 tỷ đồng cho người nuôi tôm hùm ở vùng biển miền Trung từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2007.

Nguyên nhân gây bệnh

Vi khuẩn Rickettsia-like được xem là tác nhân gây bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng tại vùng biển miền Trung.
Ngoài ra, vi khuẩn Vibrio fluvialis, V. alginolyticus, một số ký sinh trùng,… cũng được phát hiện trong các mẫu tôm bệnh và thức ăn sử dụng cho tôm hùm.

Phòng và ngăn chặn sự xuất hiện bệnh

Thực hiện các biện pháp phòng bệnh và một số phác đồ điều trị sau để hạn chế bệnh dịch lây lan:
Phòng bệnh:

  • – Đối với các hộ nuôi tôm hùm.
    • Thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp ở tôm hùm nuôi lồng (chương 3).
    • Lựa chọn mua giống tôm hùm chất lượng tốt, khỏe mạnh, không có triệu chứng bệnh sữa (đục thân).
    • Lựa chọn thức ăn tươi được đánh bắt ngoài vùng phát sinh bệnh, bảo quản tốt và sát trùng thức ăn bằng thuốc tím nồng độ 3-5 mg/l trước khi cho tôm ăn.
    • Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm, loại bỏ những cá thể tôm mắc bệnh và thức ăn dư thừa sau 2-3 giờ cho ăn ra khỏi hệ thống nuôi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh và làm ô nhiễm cục bộ nền đáy lồng/bè nuôi.
    • Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có bệnh sang những vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm tránh sốc cho tôm và hạn chế sự lây lan nguồn bệnh.
    • Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và chế phẩm sinh học theo hướng dẫn để tăng sức đề kháng cho tôm.
    • Không sử dụng tôm bệnh làm thức ăn cho tôm nuôi hoặc xả thải vào môi trường nước và vận chuyển buôn bán.
    • Đối với các địa phương xảy ra dịch bệnh:
    • Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện đúng các qui hoạch nuôi tôm hùm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung.
    • Khoanh vùng nơi bị ”bệnh sữa”, lập chốt kiểm tra ở trục giao thông ra vào vùng bị bệnh để ngăn chặn việc vận chuyển và tiêu thụ tôm bệnh.
    • Kiểm soát, ngăn chặn việc di chuyển lồng/bè từ vùng nuôi có bệnh sang những vùng chưa xuất hiện bệnh.
    • Theo dõi, giám sát việc tiêu hủy tôm bệnh ở các hộ nuôi.
    • Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, cố tình vận chuyển tôm hùm bệnh, không qua kiểm dịch khi xuất, nhập tại địa phương.
    • Tổ chức tăng cường thời lượng tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương cho người nuôi tôm hùm biết tình hình bệnh tôm hùm, phương pháp phát hiện, các biện pháp phòng bệnh và cách ly.
    • Chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, hội tham gia thực hiện các mô hình quản lý cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong nhân dân, nhất là các vùng nuôi tôm hùm.

Trị bệnh: Có thể tham khảo một số phác đồ điều trị bệnh sữa (đục thân) ở tôm hùm như sau:

  • Phác đồ 1: Tiêm thuốc kết hợp với cho ăn thuốc

Ngày thứ 1: Tiêm thuốc cho toàn bộ tôm nuôi trong lồng.
Thuốc và liều lượng cần dùng:
• Thuốc kháng sinh: Streptomycine Sulfate – 1.000 mg (dùng cho thú y), dùng 1 lọ.
• Dung dịch pha loãng: sử dụng một trong hai loại sau:

  • Nước muối sinh lý, dùng 10 ml;
  • Hoặc nước cất (dùng để tiêm), dùng 10 ml.

Cách sử dụng:
• Pha thuốc: Hút 10 ml nước muối sinh lý (hay nước cất) bơm vào 1 lọ Streptomycine Sulfate – 1.000 mg, lắc lọ thuốc cho Streptomycine Sulfate hòa tan hết đến khi nhìn thấy dung dịch chứa Streptomycine Sulfate có màu trong.
• Liều tiêm: tiêm 0,04 ml thuốc đã pha/100 gam khối lượng tôm.
Ngày thứ 2 đến ngày thứ 4: Tiêm hay trộn thuốc vào cá mồi cho tôm ăn.
Liều lượng thuốc cần dùng cho 1 kg thức ăn (cá mồi):
• Thuốc kháng sinh: Doxycycline base 10% (hoặc Strepto-Tetramycine dạng gói 100g), dùng 7 gam (khoảng 2 muỗng cà phê);
• Dung dịch pha loãng: sử dụng một trong các loại sau

  • Nước muối sinh lý (hay nước cất), dùng 50 ml;
  • Hoặc nước khoáng thiên nhiên đóng chai (hay nước uống tinh khiết đóng chai), dùng 50ml.

• Khoáng chất, vitamine tổng hợp và chất kết dính: sử dụng một trong số các sản phẩm có bán trên thị trường như: Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix, Oli-Mos, QM-Binder,… trộn vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hoặc dầu gan mực, dùng 10 ml (khoảng 3 muỗng cà phê).
Cách đưa thuốc vào thức ăn theo trình tự sau:
• Thức ăn (cá liệt, cá cơm, cá sơn,…) rửa sạch, để ráo;
• Hòa tan thuốc kháng sinh Doxycycline base 10% vào nước muối sinh lý (hay nước cất/nước khoáng, nước tinh khiết) với liều lượng như trên, khuấy đều cho thuốc tan hết. Dùng xi-lanh hút dung dịch thuốc vừa hòa tan tiêm vào cơ thịt của cá mồi (tiêm nhiều vị trí khác nhau dọc 2 bên vây lưng của cá);
• Sau khi tiêm thuốc vào cá, cắt cá cho phù hợp cỡ mồi;
• Trộn/tiêm đều khoáng chất và vitamine tổng hợp (Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix,… ) vào thức ăn với liều như trên, để trong 30 phút (khi sử dụng phương pháp trộn);
• Bổ sung các chất kết dính (QM-Binder, Profisd, Feed coat…), trộn đều trước khi cho tôm ăn.
Lưu ý: cũng có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn để cho tôm ăn, cách trộn như của khoáng chất và vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, cách làm này làm mất một lượng thuốc nhiều hơn so với cách đưa thuốc vào thức ăn qua đường tiêm.
Cách cho tôm ăn:
Mỗi ngày cho tôm ăn cá mồi có thuốc một lần vào chiều tối.
Ngày thứ 5 đến ngày thứ 7: Tương tự như ngày thứ 2 đến thứ 4 nhưng liều lượng thuốc kháng sinh giảm đi một nửa.
Kiểm tra tôm: Kiểm tra toàn bộ tôm nuôi trong lồng
• Nếu thấy tôm còn có dấu hiệu bệnh sữa, lặp lại liều tiêm thuốc vào thức ăn (cá mồi) như ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 rồi cho tôm ăn thức ăn có thuốc.
• Nếu thấy tôm khỏi bệnh thì từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14 tiếp tục cho tôm ăn theo phác đồ điều trị bệnh sau:
Ngày thứ 8 đến ngày thứ 14: Trộn/tiêm thuốc bổ, men vi sinh vào thức ăn của tôm
Thuốc và liều lượng dùng cho 1 kg thức ăn
• Men vi sinh hay chất ổn định đường ruột tôm: Effinol, dùng 5 gam; hoặc P-zyme-mos, Probestim, QM-Probiotic, Combax, Probai, Oli-mos,… đưa vào trong thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
• Khoáng chất, vitamin tổng hợp và chất kết dính: sử dụng một trong số các sản phẩm có trên thị trường như: Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix, QM-Binder, Profisd,… đưa vào trong thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hoặc dầu gan mực, dùng 10 ml (khoảng 3 muỗng cà phê)
Cách đưa thuốc vào thức ăn (cá mồi) theo trình tự sau:
• Thức ăn (cá mồi) rửa sạch, cắt miếng nhỏ, để ráo nước;
• Trộn/tiêm men vi sinh/khoáng chất và vitamin vào thức ăn (để trong vòng 30 phút nếu dùng phương pháp trộn);
• Bọc chất kết dính (QM-Binder, Profisd…) để giảm hao hụt thuốc do thất thoát ra ngoài môi trường.
Cách cho tôm ăn:
Mỗi ngày cho tôm ăn cá mồi có thuốc một lần vào chiều tối.

  • Phác đồ 2: Tiêm một lần Oxytetracycline cho toàn bộ tôm trong lồng (Tham khảo từ phác đồ nghiên cứu trị bệnh sữa của nhóm dịch tễ học, tổ triển khai nhiệm vụ giải quyết bệnh dịch tôm hùm năm 2007)

Ngày thứ 1: Tiêm Oxytetracycline cho toàn bộ tôm nuôi trong lồng.
Thuốc cần dùng:
• Kháng sinh sử dụng: Oxytetracycline dạng tiêm
• Dung dịch pha loãng: sử dụng một trong 2 loại sau

  • Dung dịch muối sinh lý đẳng trương (0,85%)
  • Hoặc nước cất (dùng để tiêm)

Cách sử dụng:
(A) Với dung dịch chứa Oxytetracycline 20% dạng tiêm:
(1) Tôm nhỏ dưới 500 gam/con:

    • Pha thuốc: 1 ml dịch chứa Oxytetracycline 20% dạng tiêm + 9 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (1 phần thuốc

pha với 9 phần nước).

  • Liều tiêm: 0,1 ml thuốc đã pha / 100g khối lượng tôm.

(2) Tôm lớn từ 500 gam/con trở lên:

    • Pha thuốc: 2 ml dịch chứa Oxytetracycline 20% dạng tiêm + 8 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (2 phần thuốc

pha với 8 phần nước).

  • Liều tiêm: 0,05 ml thuốc đã pha /100g khối lượng tôm.

(B) Với dung dịch chứa Oxytetracycline 10% dạng tiêm:
(1) Tôm nhỏ dưới 500 gam/con:

    • Pha thuốc: 2 ml dịch chứa Oxytetracycline 10% dạng tiêm + 8 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (2 phần thuốc

pha với 8 phần nước).

  • Liều tiêm: 0,1 ml thuốc đã pha / 100g khối lượng tôm.

(2) Tôm lớn từ 500 gam/con trở lên:

    • Pha thuốc: 4 ml dịch chứa Oxytetracycline 10% dạng tiêm + 6 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (4 phần thuốc

pha với 6 phần nước).

  • Liều tiêm: 0,05 ml thuốc đã pha / 100g khối lượng tôm.

Ngày thứ 2 đến ngày thứ 6: Cho tôm ăn thuốc bổ dưỡng là các loại sản phẩm chứa Vitamin, khoáng chất (Nutrimix, Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix, Doxalase,…) mỗi ngày cho tôm ăn cá mồi có trộn thuốc 1 lần vào buổi chiều tối. Cụ thể cách trộn như sau:
Cách trộn: Cá mồi rửa sạch, để ráo nước. Cứ 1kg cá mồi trộn thêm:
• Nutrimix (vitamin) 5g (loại cho cá) hoặc 2g (loại dùng cho tôm).
• Doxalase (chất tăng cường đề kháng bệnh, bổ gan) 1ml.
Trộn thật đều thuốc với cá mồi, ướp trong 30 phút, sau đó trộn dầu mực để giảm hao hụt do thuốc tan ra trong môi trường rồi cho tôm ăn.
Ngày thứ 7: Kiểm tra tôm trong lồng nuôi.
Nếu thấy tôm còn bệnh sữa, lặp lại việc tiêm thuốc như trên.
Nếu thấy tôm hết bệnh sữa từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14 cho tôm ăn các sản phẩm chứa khoáng chất và vitamin (Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix,…); men vi sinh (P-zyme-mos, Probestim, Effinol, QM-Probiotic, Combax, Probai, …) trộn vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cụ thể cách trộn như sau:
Cách trộn: Cá mồi rửa sạch, để ráo nước. Cứ 1 kg các mồi trộn thêm:
• Minerex (khoáng chất, cứng vỏ): 5gam;
• Doxalase (Chất tăng cường đề kháng bệnh, bổ gan): 1 ml;
• Combax (men vi sinh để cải thiện vi sinh vật đường tiêu hóa): 5 gam (dạng bột) hoặc 2 ml (dạng dung dịch).
Trộn thật đều thuốc với cá mồi, ướp trong 30 phút, sau đó trộn dầu mực hoặc chất bao dạng kết dính để giảm hao hụt thuốc do tan ra ngoài môi trường rồi cho tôm ăn.
Lưu ý:

    • Nên trộn hay tiêm thuốc vào lượng thức ăn ít hơn khẩu phần bình thường để tôm nhanh chóng ăn hết thức ăn có thuốc.
    • Nếu có thể, nên hòa các loại thuốc bổ dùng cho tôm vào nước khoáng hay nước uống tinh khiết rồi chích vào cá mồi. Thuốc bổ sẽ ngấm sâu vào mồi, ít hao hụt.
    • Không nên sử dụng các sản phẩm kháng sinh dùng tiêm trực tiếp để đưa vào thức ăn cho tôm ăn; cần có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để tránh hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn.
  • Cần sử dụng các thuốc bổ dưỡng sau khi tôm hết bệnh, tránh tái phát.
  • Ngưng sử dụng thuốc ít nhất 15 ngày trước khi thu hoạch.

 

Hội chứng trắng râu

Loài tôm nhiễm

Hội chứng này đã được phát hiện ở tôm hùm Bông, tôm hùm Đá nuôi lồng vùng biển miền Trung.

Dấu hiệu

Râu 1 chuyển từ nâu sang vàng, hồng rồi sang trắng, hội chứng xảy ra chủ yếu ở tôm con và ít bắt gặp ở tôm trưởng thành gây chết rải rác tôm hùm nuôi.

Hưng Long - Hội chứng trắng râu ở tôm hùm giống
Hội chứng trắng râu ở tôm hùm giống

 

Nguyên nhân

Chưa rõ nguyên nhân.

Phương pháp phòng trị
  • Thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp;
  • Chưa có biện pháp trị hữu hiệu.

 

Hội chứng cúm chân

Loài tôm nhiễm

Bắt gặp ở tất cả các loài tôm hùm nuôi.

Dấu hiệu

Tôm rũ rượi, chân bò co rúm lại, hội chứng này xảy ra ở cả tôm con và tôm trưởng thành, gây chết rải rác tôm hùm nuôi lồng.

Hưng Long - Bệnh cúm chân ở tôm hùm Bông (A) và tôm hùm Đá (B)
Bệnh cúm chân ở tôm hùm Bông (A) và tôm hùm Đá (B)

 

Nguyên nhân

Chưa rõ nguyên nhân.

Phương pháp phòng trị
  • – Thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp;
  • – Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung Vitamin C vào khẩu phần thức ăn.

 

Hội chứng mềm vỏ

 

Loài tôm nhiễm

Hội chứng mềm vỏ bắt gặp ở hầu hết các loài tôm hùm nuôi lồng.

Dấu hiệu

Toàn bộ cơ thể tôm mềm kéo dài như lúc vừa mới lột xác, hội chứng xảy ra ở giai đoạn tôm con và tôm trưởng thành và gây chết rải rác tôm hùm nuôi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân có thể do tôm có sức khỏe kém, sau khi lột xác quá trình cứng vỏ không thực hiện được hoặc thực hiện rất chậm. Tôm dễ bị sây sát, tổn thương đến những bộ phận trên cơ thể, tạo cơ hội tốt để một số tác nhân như nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhiễm và gây bệnh.

Phương pháp phòng trị
  • Thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp;
  • Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho tôm;
  • Cung cấp khẩu phần ăn giàu canxi cho tôm.

 

CÁCH TÍNH LƯỢNG THUỐC DÙNG TRONG PHÒNG, TRỊ BỆNH TÔM HÙM

 

Tính lượng thuốc bằng ppm (phần triệu)

1ppm = 1/1.000.000

Quy đổi theo thể tích/ thể tích

1 ppm ≈ 1ml/1.000.000 ml = 1ml/1.000 lít = 1ml/m3

Quy đổi theo khối lượng/khối lượng và khối lượng/thể tích

1 ppm ≈ 1mg/1kg = 1g/1tấn ≈ 1g/1.000 lít = 1g/1m3
Ví dụ: Tính Formaline ở nồng độ 100 ppm cần dùng trong điều trị bệnh với thể tích nước là 10 lít.
Ta có: 100ppm ≈ 100ml/1000lít = 1ml/10 lít
Vậy cần lấy 1 ml Formalin cho vào 10 lít nước để được Formaline nồng độ 100 ppm.

Cách tính lượng thuốc cần dùng từ thuốc có nồng độ không nguyên chất

Trong thực tế, nhiều loại thuốc có độ tinh khiết (%) không thuần, có nghĩa là không phải 100% là thuốc nguyên chất mà nó có chứa một lượng tạp chất nào đó. Vì vậy, việc tính ra lượng thuốc thực tế dùng là cần thiết. Cách tính như sau:
Ta có:
(•) Thuốc có nồng độ ban đầu là X% (nghĩa là trong 100g thì có X g thuốc)
(•) Để có được Y g thuốc nguyên chất từ loại thuốc có nồng độ X%, khi đó cần phải lấy một lượng thuốc có nồng độ là X% là:
A= (X x 100)/Y
Trong đó X: là nồng độ thuốc ban đầu (%)
Y: lượng thuốc nguyên chất cần sử dụng (g hoặc ml)
A: lượng thuốc có nồng độ X% (g hoặc ml)
Ví dụ: Để có được 5g vitamin C sử dụng cho phòng bệnh tôm hùm từ hỗn hợp vitamin C 10% thì lượng vitamin C 10% cần dùng được tính như sau:
Cách tính:
Trong 100 g vitamin C 10% thì có 10 g vitamin C nguyên chất. Vậy lượng vitamin C 10% để có được 5 g vitamin C nguyên chất cần dùng là:
Lượng vitamin C 10% cần dùng A= (5×100)/10 = 50g

Tính lượng thuốc dùng để tắm cho tôm

Trong quá trình nuôi, có thể dùng một số thuốc, hoá chất như Formalin, Hydrogen peroxide (H2O2), … để tắm cho tôm. Vì vậy, cần phải tính toán chính xác lượng thuốc cần dùng.
Ví dụ: Để tắm cho 1 đàn tôm bằng formalin trong chậu (hay thùng xốp) có kích thước dài ´ rộng ´ cao là: 1 ´ 1,5 ´ 0,8m (độ sâu mức nước là 0,6m) với nồng độ thuốc là 20ppm, thì cần dùng bao nhiêu formalin?
Cách tính:
Thể tích nước chứa trong thùng xốp là: 1 x 1,5 x 0,6 = 0,9 m3 nước.
Để có được nồng độ formalin 20 ppm thì: trong 1m3 nước (tương đương với 1 triệu gam) cần 20g (20ml) formalin.
Vậy trong 0,9m3 nước (0,9 triệu gam) cần X gam (ml) formalin
Suy ra: X = (0,9 x 20)/1 = 18g (ml) formalin.

Tính lượng thuốc để cho tôm ăn

 

Tính theo khối lượng cơ thể tôm nuôi

Thuốc phòng, trị bệnh khi cần thiết phải được đưa vào hệ tiêu hoá tôm. Do vậy, việc tính đúng lượng thuốc cần dùng là điều cần thiết. Để tính được lượng thuốc cho tôm ăn, tiến hành các bước sau:
(•) Tính khối lượng trung bình của tôm;
(•) Tính tổng khối lượng tôm nuôi trong lồng để tính % thức ăn cần sử dụng;
(•) Tính khối lượng thuốc cần phải dùng cho mỗi kg thể trọng;
(•) Tính lượng thức ăn có thuốc.
Ví dụ: Dùng Doxycycline với nồng độ 50 mg/1 kg thể trọng cho 1.000 kg tôm.
Cách tính:

  • Lượng Doxycycline cần dùng cho 1000 kg tôm là:
    1000 x 50 mg = 50.000mg = 50 g
  • Lượng thức ăn bằng 5% thể trọng, tức là 1.000 kg tôm phải cần 50 kg thức ăn. Vì vậy, dùng 50 gam thuốc Doxycycline hòa vào nước rồi cho 50 kg thức ăn vào trộn đều, để 15 – 30 phút cho thuốc ngấm vào thức ăn rồi mới cho tôm ăn.

 

Tính theo lượng thức ăn sử dụng
  • Tính khối lượng trung bình của tôm, sau đó tính tổng khối lượng tôm nuôi trong lồng;
  • Tính lượng thức ăn sử dụng dựa vào tổng khối lượng tôm nuôi (ví dụ 5% thể trọng tôm).
  • Tính lượng thuốc cần sử dụng:
    Lượng thuốc cần sử dụng (gam) = Lượng thuốc cần dùng cho 1 kg thức ăn x Tổng trọng lượng thức ăn
    Ví dụ: lượng Doxycyclin (liều lượng 5 gam/kg thức ăn) cần dùng cho 1000 kg tôm:
    Lượng thuốc cần sử dụng (gam) = 5 gam x (1.000 kg tôm x 5/100) = 250 gam thuốc.

 

Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn